Ước mơ của ba là con làm giáo viên...

- Sau này con của ba sẽ trở thành giáo viên lên tivi như thế này...
Tivi đang mở một chương trình có nhiều giáo viên tham gia, mình đang ngồi bên cạnh xem với ba. Nghe đến đây, mình chỉ "dạ" khe khẽ rồi chạy tuốt xuống bếp với má. Hơn một lần ba nói với mình ước mơ này. 
10 năm sau, mình đi thi đại học, điểm đủ đậu thủ khoa trường Sư phạm Huế, nhưng mình lại vào tận Sài Gòn học một ngành chẳng liên quan gì đến cái ước mơ của ba.
Suốt những năm tháng tuổi thơ, trung học, phổ thông, mình lớn lên với ước mơ trở thành một cô giáo đi gõ đầu mấy đứa con nít. Không hề có tư tưởng khác những gì ba mong ước, sống trong một cái khuôn ba đã vạch ra. Học giỏi một môn nào đó, rồi sau này dạy lại cho người ta. Nhà có hai đứa con gái, mình là chị, tất nhiên, ba phải nghiêm khắc hơn. Vì là con đầu, nên ngay từ nhỏ mình chỉ toàn bị (hay được) ba la. Không những la mà còn đánh. Ám ảnh nhất có lần mình đi chơi về trễ không nói với ba làm ông đạp xe đi kiếm khắp xóm. Lúc phát hiện ra mình đang ở nhà dì, ông đã lôi ra đầu đường và đánh. Hồi đó cổng nhà dì có một hàng râm bụt đẹp mê hồn. Nhưng kể từ dạo ba lấy cây râm bụt đánh mình, mỗi lần đi ngang qua cây râm bụt, mình luôn có cảm giác rùng mình khi nhớ về trận đánh kinh hoàng ấy của ba. Hôm vừa rồi, xe buýt đi ngang qua hàng râm bụt, ký ức về trân đánh của ba hiện lên trong đầu mình mồn một như mới hôm qua, nhắc mình nhớ câu chuyện đi chơi không biết đường về. 
Ngày nhỏ mình không đặc biệt giỏi môn gì. 
Hồi học cấp tiểu học, mình rất thích học văn, điểm văn vì thế cũng khá. Không nhất lớp nhưng cũng đủ khiến mình tự hào. Lớp mình học cũng toàn những đứa giỏi, nên việc điểm cao cũng chẳng có gì to tát lắm. Mãi đến khi lên lớp 6, mình bị tách lớp. Lớp này học hành trung bình, nên tự dưng mình trở nên nổi bật với điểm số môn văn. Hồi đó, đang có kỳ thi học sinh giỏi môn văn nên cô giáo mới chọn hai ba đứa đi học bồi dưỡng. Mình vào đội bồi dưỡng văn từ dạo đó. Lớp 7, 8, 9, năm nào cũng học bồi dưỡng nhưng không năm nào mình đi thi mà có giải. Có lẽ những cố gắng thời điểm ấy chưa đủ nên mình vẫn sống mãi trong bóng đêm, không biết đường nào mà đi. Những thất bại lần đó giúp mình nhận ra, muốn thành công, phải cố gắng nỗ lực hết sức mình. Không chỉ 100% mà là 200%, 300%. Nỗ lực hết sức mình mới có kết quả tốt đẹp được. Vì thế, rút kinh nghiệm sau hàng tá lần thất bại, năm cuối trung học, mình đã cố gắng nỗ lực hết sức để có điểm số cao trong kì thi chuyển cấp và may mắn đủ điểm đậu vào trường chuyên trong thành phố. Đó là lần đầu tiên mình hiểu cảm giác hạnh phúc khi trải qua biết bao gian khó, nỗ lực ra sao. 
Ba năm phổ thông trôi qua cái vèo, mình cũng ở trong đội bồi dưỡng thi học sinh giỏi văn nhưng rốt cuộc, những câu chuyện cũ vẫn lặp lại. Thi nhưng không có giải hoặc giải không đáng kể. Rồi cuối cùng, kỳ thi cuối cùng của cấp 3, mình đã dồn tất cả sức lực vào môn học mà mình yêu thích nhất thời điểm ấy, lại không phải là môn văn, mà là lịch sử. May mắn, trời thương, mình đậu. Lúc đó, mình hiểu rằng sự nghiệp của mình chẳng thể nào dính vào môn văn nữa. Cái hôm mình đi thi đại học, ba má còn nói, cô giáo của ba đi thi tốt nghe... Ngay tới thời điểm đó ba má cũng đã mặc định là sau này mình sẽ đi học sư phạm văn rồi. Không sư phạm thì không có con đường nào khác!
Ấy thế mà vào một buổi chiều trời nhẹ trong, mình đã nói với ba má một tin chẳng "nhẹ trong" chút nào. Mình đăng ký học ngành báo chí ở Sài Gòn. Ba ngạc nhiên, má thất thần. Ba hỏi lý do, má im lặng. Những câu sau đó, mình đã quên. Nhưng những ngày sau đó, ba không nói chuyện, không ăn cơm chung với mình nữa. Má cũng biết ý nên để một phần cơm riêng cho ba. Ba má nói chuyện ít đi. Ba không còn đi ngang qua cái bàn học của mình để nhắc mình ngủ sớm nữa. Vì mình cũng hết học nữa rồi. 
Không hiểu tại sao nhưng thời điểm đó mình rất muốn "nổi loạn". Mình không muốn ở mãi trong cái khuôn mà ba đã sắp đặt cho. Ra Huế học sư phạm rồi thành giáo viên dạy văn, về quê dạy. Cuộc sống bình yên. Lúc đó, mình muốn đi đâu đó thật xa, thoát khỏi tầm ngắm của ba má để bay lượn, để làm những điều mình muốn. Vậy là, sau mấy tuần chiến tranh lạnh, ba cũng đồng ý cho mình vào Sài Gòn học và cùng mình vào làm thủ tục nhập học. Cái ngày mình đi học, ba không khóc, nhưng nhìn thấy má là mình chẳng cầm lòng nổi. Mấy bữa đầu đi học, ba má điện thoại vô là khóc lên khóc xuống. Mấy hôm đầu tiên vào Sài Gòn mình không khóc một giọt. Chỉ có mấy hôm bị đau ốm thấy tủi thân, không có ai lo lắng cái ra chân cầu thang ngồi khóc đã đời. Hồi đó cũng tự trách bản thân tại sao lại muốn làm một việc trái ý ba má rồi tự làm khổ mình như vậy. Nhưng mà, thực sự hồi đó, cái khao khát bước ra khỏi vùng đất nơi mình ở, ra khỏi cái khuôn của ba lấn át hết tất cả nỗi sợ hãi rồi!
Cho đến tận bây giờ, mình vẫn thấy cái quyết định chọn học ngành khác của mình là đúng. Không trở thành cô giáo viên đi gõ đầu trẻ con nhưng ít ra mình cũng làm chút việc giúp ích cho đời bằng con chữ của mình. Hì. 

Nhận xét

  1. T vẫn còn nhớ ngày m được 10 điểm Đại học, xuống nhà m ở buổi trưa, ngồi nghe ba m nói về ước mơ muốn m làm cô giáo. Hồi m học năm nhất, thấy m chật vật với cuộc sống Sài Gòn, với môi trường Báo chí, t cũng từng nghĩ nếu ngày đó m đi dạy chắc có lẽ là sự lựa chọn tốt hơn. Nhưng thời gian trôi qua, với những nỗ lực của m, đã chứng minh cho mọi người thấy rằng, m không sai và m đang đi đúng. Dù là lựa chọn nào, chỉ cần mình nhất tâm theo đuổi và sống có trách nhiệm với nó, thì mọi thứ sẽ ổn thôi, đúng không? Vui vì m đã tìm được cho mình một hướng đi. Vui vì mỗi ngày, m đang hạnh phúc với những con chữ của chính mình <3

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừ. Đúng là thời gian trôi qua nhanh thật. Mới đó mà cái ngày đó đã xa ơi là xa. Thật sự cám ơn m đã nói những lời này. Cũng cám ơn m đã cùng đồng hành với t vượt qua tháng ngày chật vật ở Sài Gòn. Gian nan, vất vả, cuối cùng mỗi đứa cũng đã tìm cho mình một con đường riêng, vậy cũng vui rồi. Ừ. mọi chuyện rồi cũng sẽ ổn cả thôi m.

      Xóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mình bị đuổi rồi hả ta?

Đợi thêm 1 chút được không?

Mình ước được sống như một đứa trẻ