Chuyện thực tập_Kỳ 1: Bí quá... thì làm sao?
"Tôi không tự nhiên biết viết ngay từ khi vừa mở mắt - đó là một quá trình luyện tập cả đời"
- Leo Babauta -
Mỗi lần gặp khó khăn ở bất kỳ sự vụ gì, mình đều sẽ đem nhang đèn, hương quả tới vái lão google cho con xin chút bí kíp vượt qua cõi bi thương này... May mắn thay, lúc nào ông ấy cũng thương tình, ban phát cho mình vài bí kíp. Không nhiều, nhưng ít ra có thể giúp mình giải quyết tình huống ấy theo một hướng nào đó, dù chả mấy khi khả quan lắm. Đó là nói thế thôi chứ sự thực là chỉ cần vài thao tác đơn giản, mở laptop, vào mục google, tra từ khóa cần tìm, hàng vạn kết quả sẽ xuất hiện sau vài giây.
Tự bao giờ, ông Google trở thành người bạn của mình trong quá trình viết, là người thầy giúp mình vượt qua nỗi sợ bí ý tưởng, cũng là một kẻ chuyên môn đi lừa tình, giăng bẫy mình vào mê cung kiến thức, thậm chí đôi lúc còn nhấn chìm mình trong những biển thông tin không biết đường thoát. Đó cũng là lý do, mình vừa ghét lão lại vừa yêu lão đến lạ. Lại nói cái chuyện bí ý tưởng, chuyện ngày nào mình cũng đều phải đối mặt. Mình cũng xin trích lại vài dòng nhật kí mình từng viết, và nó giống như hàng trăm đoạn nhật kí khác, kể từ tháng ngày mình gắn bó với công việc chấp bút này.
"Bây giờ là 15h 29 phút ngày 24/7/2019, mình đang rất chán và bế tắc vì không biết làm sao để viết chương mở đầu cho cuốn sách của chú bầu Đức. Thật sự cái cảm giác bất lực cứ xuất hiện mãi trong tâm trí khiến mình mệt mỏi vô cùng luôn. Vì mình không thể nghĩ ra chữ nào hay ho hơn, không biết tại sao mình lại cảm thấy hoang mang đến vậy. Thực sự muốn khóc thét luôn á trời. Huhuhuhu. Điều mình thực sự muốn là gì?
Mình muốn viết một chương sách hay ho, câu từ ngắn gọn, tóm lược về cuộc đời của chú Đức. Mình đọc được khi cảm thấy bế tắc, hãy suy nghĩ ít thôi. "Người tiên tri tài ba nhất cũng có thể phán đoán sai, bạn không cần phải biết tất cả trước khi hành động", khi gặp bế tắc mình hay chôn vùi bản thân trong suy nghĩ lo lắng và điều đó thật sự khá là ngu ngốc đấy. Hãy hành động đi nào, hành động, hành động và hành động. Ngay cả nhà tiên tri còn sai mà, mình không cần phải biết tất cả trước khi hành động, cứ làm thôi, mọi chuyện sẽ được giải quyết nhanh chóng thôi nào"
Chuyện là mùa hè này mình dành trọn cho kỳ thực tập tại một công ty chuyên chấp bút cho các doanh nhân, người nổi tiếng. Vị trí mình đang làm chỉ là thực tập sinh, nhưng công việc thì chẳng khác gì một nhân viên chính thức. Mỗi tháng, mình phải chấp bút cho một tác giả, một doanh nhân hoàn thiện cuốn sách của họ.
Nghe đến đấy, có lẽ bạn hẳn sẽ không tin đâu nhỉ, vì một đứa chỉ là sinh viên như mình làm sao có thể có đủ năng lực, chuyên môn để chấp bút cho cuốn sách cho một doanh nhân tài ba, có "máu mặt" trên thương trường. Đó thực sự là một thử thách với mình. Nhưng bạn biết đấy, khi cuộc chơi càng thử thách, người ta lại càng muốn nhảy vào, dù chẳng biết trong đó là thiên đường hay địa ngục. Mình chỉ có một cái máu "liều", một bộ óc chuyên môn "quên đầu quên đuôi", một đôi tay biết gõ máy tính nhưng nhiều khi chả biết gõ cái gì, một đôi chân có thể ngồi yên vị trên chiếc ghế tựa, đôi khi xếp bằng để tạo thế cân bằng thoải mái nhất, và mình cứ thế viết từng ngày, cho đến khi, từng cuốn sách đầu tiên cũng được ra lò.
Có thể đó là một mớ hỗn độn chẳng ra đầu ra đũa, hoặc có thể là một mớ kiến thức được mình lượm lặt ở hàng đống sách ở thư viện, ở nhà, ở công ty hoặc ở kho tàng trên google, nhưng mình chưa bao giờ cảm thấy hối hận hay xấu hổ khi hoàn thành chúng. Từng con chữ, từng cái dấu câu mình chăm chút như thể đó chính là đứa con tinh thần của mình vậy, không mảy may sơ sểnh.
Nhưng cũng có những lúc mình ghét công việc này cực kì. Bạn biết đấy, kỳ thực thì công việc nào cũng có những ưu, nhược điểm của nó. Đặc biệt là khi chúng ta làm công việc nào đó vì đam mê, sẽ luôn có hàng trăm thứ khác ấp tới, bóp nghẹt ước mơ, khao khát và cả niềm vui thường ngày của bạn. Đau khổ nhất là thấy bản thân chẳng còn thích điều mà trước kia đã đánh đổi tất cả mọi thứ để có được. Nguyên nhân lại đến việc chưa tìm ra được cách giải quyết cho từng vấn đề trong công việc của mình.
Ngẫm lại, đã bao lần mình để sự trì hoãn cản trở bản thân thực hiện công việc? Trì hoãn việc viết vì cảm thấy không có cảm hứng, trì hoãn viết vì lo sợ rằng những điều bản thân viết ra chẳng ai đọc hay có thể vứt vào sọt rác, nhưng lý do duy nhất, hóa ra lại đúng nhất, là do chính bản thân đang né tránh. Khi càng né tránh, mình lại càng khiến cho vấn đề rơi vào trì hoãn và không thể giải quyết được. Đến một lúc nào đó, vấn đề ấy lại xuất hiện, mang theo "đám mây" hậu quả tác hại lớn hơn gấp trăm ngàn lần, liệu né tránh có phải là phương pháp tốt?
Có người từng bảo mình rằng, thay vì chạy trốn, hãy học cách đối mặt với sự trì hoãn và nỗi sợ hãi trước việc viết lách. "Tôi học cách bắt đầu mà không cần suy nghĩ quá nhiều về nó. Nếu sự kháng cự đang cản trở việc viết lách hằng ngày của bạn, hãy đương đầu với nó, đừng né tránh. Hãy cứ coi việc viết lách như một cách rèn luyện sự tập trung tinh thần. Tôi coi viết lách như một cách để tĩnh tâm, nơi tôi có thể rũ bỏ mọi thứ trong chốc lát và hoàn toàn tập trung vào một hoạt động. Nói cách khác, tôi cần dành một khoảng không và đặt tâm trí mình vào việc viết, chỉ đơn thuần không cuốn theo sự sao lãng khi nhận thấy nó đang tiến đến gần. Tôi nhìn vào bản thân và để cảm xúc tuôn trào theo từng con chữ hoặc hiểu nội tâm mình và cố gắng chuyển điều đó lên trang giấy", Leo Babauta từng viết.
Đọc bài viết về bí kíp viết lách của Babauta, mình biết ơn ông vô cùng vì đã giúp mình vượt qua nỗi sợ hãi khi bắt đầu viết. Đúng như những gì ông nói, mình luôn rơi vào cảm giác sợ hãi khi không đủ tài năng, chuyên môn để hoàn thành chương sách về chú bầu Đức, sợ hãi khi không thể thâm nhập vào từng góc khuất trong cuộc sống của chú Bầu hay nỗi sợ rằng chú sẽ nghĩ gì khi cầm quyển sách mình viết này lên. Nhờ ông, mình nhận ra, cách duy nhất để vượt qua nỗi sợ hãi đó là học cách sống chung với nỗi sợ hãi và viết bất cứ giá nào. "Tất nhiên, bạn vẫn viết ngay cả khi bạn có thể cảm thấy vô cùng không thoải mái và bản thân tràn ngập sự không rõ ràng. Bạn có thể ngồi lại với nỗi sợ hãi một phút và sau đó bắt đầu viết. Những nỗi sợ hãi rất đáng sợ nhưng tình hình sẽ không quá tệ nếu bạn học cách đối mặt với chúng", ông viết.
Ngoài ra, ông cũng dạy mình rằng hãy biết cách quan tâm tới kĩ thuật viết, luôn rà soát lỗi chính tả, học thêm từ mới. Điều quan trọng là phải luôn thoát ra khỏi chủ nghĩa cầu toàn. Ông động viên mình hãy cứ lao đầu vào viết dù nền tảng kiến thức về viết lách ở trình độ nào. Bởi việc viết là quá trình học hỏi, với sự luyện tập thường xuyên và chăm chú. Đọc thật nhiều, cố gắng đưa văn phong của tác giả hay vào văn của mình,kết hợp với những gì đang có, phối lại cho hay ho hơn chính là những cách mà mình học hỏi được từ nhà văn nhà báo kỳ cựu này. Một câu nói mà mình cảm thấy vô cùng tâm đắc: "Bạn sẽ làm tốt nếu bạn làm nhiều và làm với tâm huyết. Bạn sẽ không bao giờ trở nên hoàn hảo trong việc viết - có trời mới biết tôi cách xa ngưỡng hoàn mĩ đến mức nào - do đó cách duy nhất để tiến bộ là luyện tập. Và để chăm nom đến những gì bạn đang làm. Hãy làm điều đó mỗi ngày và từng nhược điểm sẽ trở nên tuyệt vời một cách đáng ngạc nhiên".
Thật sự không chỉ riêng mình mà rất nhiều người đang gắn bó với nghề viết đều phải đối mặt với cảm giác "bí" ý tưởng, chán nản khi không viết được chữ nào hay chỉ muốn vứt ngay tờ giấy trước đó từng viết vào sọt rác, nhưng bạn ơi, hãy dừng lại vài giây nào, sửa lại những gì bạn đã viết và tiếp tục hành trình này, biết đâu, biết đâu nó lại trở thành một sản phẩm hay ho với môt ai đó thì sao?
Nhớ lại khoảng thời gian mới vào công ty này, mình được giao chấp bút cho một chị chuyên gia về tâm lý, tuổi tầm tứ tuần, kiến thức khá uyên thâm. Mình đã có file ghi âm sau 3 ngày phỏng vấn, nhưng khi về nghe lại, thông tin vô cùng ít ỏi, nếu viết ra, chỉ có thể chưa đến một trang giấy. Làm thế nào để "rặn" cho ra được 10.000 chữ mỗi chương với nhúng thông tin này? Mình hoang mang 4, 5 ngày đầu với cái dàn ý, sếp hỏi dồn dập về tiến độ, thời gian cứ thế trôi qua. Còn đến 10 ngày nữa, nhưng mình chỉ mới viết được 4 chương đầu, sếp la đủ điều, trách mắng đủ chuyện. Mình lắng nghe, than thở với mấy chị, ôm việc về nhà làm đến tận khuya, có đêm thức trắng. Không đến công ty, mình ở nhà, ra thư viện làm. Cup học luôn.
Nhiều lý do khiến mình lao đầu vào công việc này, cho đến tận bây giờ, chắc chỉ có thể gói gọn trong chữ "Tiền". Có vẻ thực dụng, nhưng sự thực thì ngày ấy, mình rất muốn kiếm tiền. Và mình đánh đổi tất cả mọi thứ để làm việc. Vượt qua từng ngày với nỗi ám ảnh deadline trên đầu, khiến mình chẳng còn màng đến thứ gì. Cứ suốt ngày gõ gõ, đọc sách và gõ gõ. Cơm ăn ít, ngủ ít, gặp bạn bè ít, đi học cũng cup luôn, thời gian phần lớn trên computer, nhiều khi chả thèm điện thoại về ba má. Sau 1 tháng 10 ngày, mình cũng hoàn thiện xong cuốn sách đó. Gần 78.000 chữ, 277 trang. Đọc lại từng trang viết được trau chuốt ngôn từ, câu chữ gãy gọn, có kiến thức về tâm lý, lịch sử, sinh học, câu chuyện, khoa học... tất cả những sự sáng tạo, tâm huyết, công sức hơn 1 tháng của mình đổ vào đó, đến tận bây giờ khi đọc lại bản thảo, mình cũng không thể nào hạnh phúc hơn. Hạnh phúc lắm các bạn ạ.
Và cuốn thứ hai về một anh doanh nhân khác cũng được hình thành như thế. Bây giờ, mình lại bắt đầu cuốn về chú Bầu Đức. Không phải chấp bút mà là tổng hợp thông tin và viết về chú. Mọi thứ bắt đầu chẳng dễ dàng gì. Nhưng mình vẫn tin là sẽ được, sẽ hoàn thành thôi.
Khi nào bí quá, không viết được ư, hãy cứ ra ngoài, hít thở chút không khí, cười lên một cái, rồi lại vào viết tiếp, viết chả ra gì cũng cứ viết đi nào. Cố lên nào cô gái mạnh mẽ của tôi. Mọi chuyện sẽ ổn cả thôi, nếu chưa ổn thì có lẽ là chưa hoàn thành rồi.
Ảnh: Pinterest
Nhận xét
Đăng nhận xét