Tôi đi khám bệnh

Chiếc xe buýt 89 dừng lại ở ngã ba đường. Chị lơ xe nhìn tôi bảo, "Xíu nữa em dắt chị áo xanh đó vô bệnh viện luôn nha". Tôi dạ vâng lời rồi cầm tay chị áo xanh dẫn vào bệnh viện. Đôi bàn tay chị ấm áp, mềm mại như má. Bất giác nỗi nhớ má trào dâng trong tôi, lạ lùng và đeo bám lấy tâm trí như thể tôi đang dắt má vào bệnh viện khám như ngày tôi lên 8.
 Tôi dẫn chị vào trong, chị bảo tôi vô lấy phiếu đi, để chị tự đi. Từ đó, tôi để chị từ đi. Với đôi mắt mờ mờ, chị mò mẫm đi trong làn người chen chúc. Trong đầu tôi hiện lên câu hỏi, "Ba mẹ chị đâu?", "Sao lại để chị đi khám bệnh một mình như thế?", "Rồi chồng chi nữa?"... Hàng tá câu hỏi xoay quanh tôi, nhưng, vội vàng biến mất đi trong tâm khảm. Bởi những câu chuyện phía sau ấy, tôi đành phải để sau dấu chấm lửng.  Bởi căn bệnh của tôi. Cơn đau bụng vẫn đang cào cáo âm ỉ. Liệu tôi có thể lo lắng cho chị khi tôi vẫn chưa lo xong cho mình.  Chính điều này khiến tôi chẳng thể quan sát chị được lâu. Và tôi lại chen chúc vào dòng người ngược xuôi mua phiếu ở quầy tiếp tân. Hàng chục con người bao quanh lấy tôi khi đến lượt tôi lấy phiếu. Chú áo xanh cao to ở phía sau choàng đôi tay to lớn qua đầu tôi, cầm chiếc phiếu bảo hiểm vượt qua mặt tôi đưa cho cô tiếp tân. Hai bà chị khoảng hai mấy tuổi ở phía sau lưng tôi cũng cố gắng choàng người tới dựa mặt vào lưng tôi, choàng tay tới đưa cái phía bảo hiểm cho chị tiếp tân như thể không hề có sự xuất hiện của tôi ở đó. Phía sau tôi hai người, một chị có con nhỏ sơ sinh nói vọng tới: "Chị ơi, ưu tiên cho bé sơ sinh đi. Cho tôi một phiếu cho bé sơ sinh". Một cuộc giành giật lấy tờ phiếu như thể rằng nếu họ không được ưu tiên họ sẽ nhảy bổ lên, cào cáo, ngấu nghiến cho bằng được. Tôi không biết họ có đang mắc bệnh hay không? Nhưng tôi cam đoan họ có sức khỏe của mấy con bò mộng cộng lại. Và khi ấy, tôi nghẹt thở đến mức chẳng chịu được, đành phải chui ra khỏi đám đông như muốn nuốt sống tôi ấy. Và chạy ra ngoài. Lúc ấy, tôi nhìn xung quanh. Người ta chẳng ai quan tâm đến tôi. Họ lo việc của họ. Chạy vậy. Cầm điện thoại lướt lướt. Có người xem bệnh án. Người thì cầm toa thuốc. Người thì ôm con. Không ai thèm để ý đến một con bé 21 tuổi bơ vơ chẳng biết làm sao để xông vào đám người lấy phiếu đi khám sức khỏe. Tôi nghỉ 5 phút. Rồi lại chạy vào. Nghe tới tên mình. Tôi hét lớn: "Dạ, đau bụng, không ăn được, mêt mỏi".
Người ta đưa phiếu cho tôi. Rồi tôi cầm tờ phiếu, bước đi. Hành trình chỉ mới bắt đầu.
Tôi vào phòng khám nội tổng quát 3. Một vài người ngồi ở đó. Cũng chỉ 5 phút sau, tôi được bác sĩ khám cho. Ông bảo tôi đi siêu âm, nội soi sau khi hỏi về một số triệu chứng. Tôi cầm tờ giấy nội soi, siêu âm, không biết rằng biết bao nhiêu điều kinh hoàng sắp chờ đón mình.
Tính tiền xong xuôi, tôi đi qua khu nội soi. Khoa nội soi đông nghẹt người. Người ta ngồi, đứng chen chúc đến mức không còn chỗ cho lối đi của bệnh nhân. Mỗi lần tôi định đưa phiếu để xin đến lượt, là một hàng đống người chồm đến phía sau. Họ cũng cầm phiếu, cũng hối hả, cũng chen chúc. Ngược lại với những câu hỏi của họ, cô y tá, im lặng trước những câu hỏi của họ, hoặc bực bội nói, "Bác chờ con một chút". Rồi tiếp tục nói chuyện với bệnh nhân khác. Tôi đưa tờ phiếu hơn 3 lần, hỏi cũng hơn 3 lần. Cô y tá không thèm quan tâm tôi nói gì. Như thể cô bị điếc kinh niên. Rồi chạy đi đâu đó khi quay lại với một sấp tờ giấy.
Tôi đứng chờ hàng người đi qua bớt. Chỉ nghe được vài câu, "Bây giờ bác có hai lựa chọn hoặc là nội soi đau hoặc nội soi không đau. Nội soi không đau thì 1 triệu 7." Tôi rất ớn lạnh với nội soi. Vì tôi biết nội soi là đưa một ống dây vào trong miệng mình đến dạ dày. Nghĩ đến đó tôi đã muốn ói. Nhưng mà đã đóng tiền, đánh phải nội. Rồi quẩy quả được ít lâu. Tôi đành qua phòng siêu âm trước. Hỏi chị tiếp viên, tôi mới tìm ra được phòng siêu âm. Ngồi chờ 5 phút, tôi được siêu âm ngay tức khắc. Nhanh đến mức tôi cũng bất ngờ. Người siêu âm cho tôi là một ông bác sĩ chừng 40, 50. Lúc tôi vào siêu, đã thấy một cô phải cởi hết áo trong ra để trên ghế, còn đang đứng để lau thuốc dính trên ngực. Tôi đã từng siêu âm một lần. Nhưng không ngờ, lần này, cũng y như vậy. Thủ tục nhanh phát hoảng.
Vén áo lên. Kéo quần xuống. Ông bác sĩ hỏi các triệu chứng tôi cầm chiếc máy dịch chuyển lên xuống các vùng bụng của tôi. Sau đó, khi tôi còn chưa kịp kéo quần, cô y tá đã vội vàng kêu bệnh nhân nam khác vào. Làm tôi hoảng quá, kéo quần thật nhanh, đứng lên chỉnh lại tư trang nhanh chóng. Ông bác sĩ nói nhanh, "Từ từ, để con bé nó chỉnh lại quần áo. Con gái chưa kịp sửa đồ mà cho nam vào rồi". May mắn tôi mặc áo dài, nên chỉ cần kéo xuống có thể che hết không thấy gì. Cuối cùng, chỉ sau đó, tôi cầm tờ kết quả. Không có biểu hiện gì bất thường. Không u nang gì cả. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Vậy tại sao tôi lại đau bụng? Vậy chỉ còn có thể trông vào nội soi. Nhưng tôi rất sợ nội soi.
Lần này, khi qua bên nội soi, đã vơi bớt người. Tôi đưa phiếu. Và cô ta nhận. Lần đầu tiên tôi cảm thấy mình như một con người bình thường. Rồi tôi được một y tá khác gọi tên, đưa một ít nước để uống trước khi nội soi. Tôi uống nước. Đi theo viên y tá. Và chờ đợi vào phòng nội soi. Đầu óc tôi lúc đó hoang mang vô cùng. Mọi ý thức về cuộc sống, cá nhân, mục tiêu của bản thân, công việc, sức khỏe lùi lại phía sau. Tất cả chúng biến mất và bị nuốt chửng bởi nỗi sợ hãi ám ảnh tôi. Đến lượt tôi vào nội soi. Chị y tá dịu dàng bảo tôi để đồ đạc bên cạnh. Nằm qua một bên. Khi tôi cảm nhận được sự xuất hiện của cái ông nội soi chị đưa vào miệng, là khi tôi biết cả thế giới trong mình đang ngọ ngậy và vượt ra khỏi mức kiểm soát chính tôi. Khi ấy, một mùi tanh tanh, khó chịu, kinh hoàng, xông vào cả cổ họng tôi. Một vật dài dài, bắt đầu trườn vào miệng, vào cổ tôi. Trí tưởng tượng phong phú, cộng với độ nhạy cảm siêu việt khiến tôi không thể nào chịu đựng sau 5 giây khi cái sợi dây nội soi mới được đưa vào đến 1/2 cuống họng tôi. Tôi cầm lấy sợi dây, ra hiệu cho chị y tá rằng tôi chịu không nổi. Chị dừng lại. Bảo thôi, hỏi tôi có muốn nội soi không? Nếu không thì có thể thôi. Có thể còn cách khác nữa. Tôi bảo dạ không, và đi vào nhà vệ sinh.
Từ khi ấy, tôi biết mình đã không vượt qua nỗi cơn nội soi. Và nếu như được một lần nữa tôi đã ước mình có thể ăn uống đầy đủ hơn, dinh dưỡng hơn, quan tâm đến sức khỏe của bản thân nhiều hơn để chính mình có thể bớt đi nỗi đau về thân xác hơn khi đến cái bệnh viện này.
Tôi đã có thể thay đổi thói quen ăn uống và chế độ của bản thân, quan tâm sức khỏe mình nhiều hơn và biết đâu tôi đã có thể khỏe mạnh, không cần phải đến bác sĩ và phải thực hiện nhưng ca nội soi hay phải chịu đựng cảnh chen chúc hàng đống giờ đồng hồ ở một khu chờ chỉ để chờ đến lượt trong cái không khí sực nức đầy mùi sát trùng, mùi bệnh viện, mùi bệnh nhân, mùi của các chất thải mà tôi cũng không rõ mùi ấy có phải là hỗn tạp của hàng tá những mùi vị khác nhau hợp lại hay không?
Tôi nhận ra khi mình đến bệnh viện cũng là khi tôi đã đưa bản thân vào cuộc đánh cược và chính tôi là người không làm chủ được điều gì. Tôi để cho bác sĩ và những chiếc máy chuẩn đoán sức khỏe của tôi. Tôi phải cố gắng chịu đựng và hình như tôi càng tìm kiếm thêm cho mình hàng tá những căn bệnh khác nhau khi đến bệnh viện này. Chẳng biết tại sao, khi tôi đến bệnh viện, một khao khát, một nỗ lực, một ước muốn được manh khỏe lại trào dân trong tôi đến mức tôi chỉ muốn vứt hết những tờ bệnh án hay toa thuốc của bác sĩ để về nhà. Tôi đã toan muốn đi về ngay khi tôi ngồi mệt mỏi và tựa đầu vào bức tường nơi khoa nội soi. Nhìn dòng người ngược xuôi lên xuống, tôi thấy căn bệnh của mình chẳng có gì so vói họ. Hay tôi đi về nhà. Nhưng tôi đã đóng một đống tiền cho việc nội soi, siêu âm. Và đáng thương thay, khi tôi đi vào lại bác sĩ. Ông ta cho tôi một đống đơn thuốc và dặn nếu tôi còn đau bụng hãy đến tái khám và nội nôi gây mê với giá 1 triệu 7. Tôi chỉ còn cách đó để biết bệnh tình của mình. Còn lại không có bất cứ một điều gì có thể kiểm tra sức khỏe hay những triệu chứng đau bụng âm ỉ đang trào dâng trong tôi.
Khi cầm đơn thuốc, tôi xuống lấy thuốc và chờ đợi hàng chục phút nữa mới có thể đứng chen chúc tính tiền. Đơn thuốc của tôi lên đến 435 ngàn đồng, còn tiền khám đã hơn 200 ngàn. May mắn tôi có bảo hiểm y tế, vì thế tôi chr đóng 88 ngàn tiền thuốc. Tôi lại càng phát hoàng hơn khi cầm bịch thuốc trên tay. Tôi không biết một bệnh nhân ung thư sẽ uống bao nhiêu thuốc. Nhưng có lẽ, nhìn đống thuốc tôi đang cầm, không ít người nghĩ tôi đang mắc một bệnh nào đó trầm trọng lắm. Trong khi kết quả siêu âm của tôi, lại cho rằng tôi không có dấu hiệu bất thường nào.
Hoang mang kéo dài hoang mang. Có lẽ, sau lần đi bệnh viện này tôi đã học được bài học trân trọng sức khỏe bản thân. Một bài học được trả giá vô cùng đắt đỏ.

Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mình bị đuổi rồi hả ta?

Đợi thêm 1 chút được không?

Mình ước được sống như một đứa trẻ